Bệnh viện 'khó biết giá thật' khi mua thiết bị y tế
Bệnh viện 'khó biết giá thật' khi mua thiết bị y tế
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức lo ngại bệnh viện khó biết giá trị thật khi mua trang thiết bị y tế của doanh nghiệp nên nguy cơ vô tình sai phạm rất cao.
Sáng 25/5, thảo luận tại tổ TP HCM về tình hình kinh tế - xã hội, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, cho biết giá thiết bị y tế do doanh nghiệp tự niêm yết, không có đơn vị kiểm định. Bệnh viện đi mua thiết bị không thể tự kiểm tra để biết giá trị thật là bao nhiêu hay doanh nghiệp bán lãi bao nhiêu phần trăm so với giá họ khai báo với hải quan.
"Nếu giá bệnh viện mua gấp 5-7 lần giá báo với hải quan thì chúng tôi cũng không biết được", ông Thức nói, cho biết việc mua thuốc, vật tư tại các bệnh viện đã tương đối ổn định nhờ có hướng dẫn về đấu thầu, mua sắm, nhưng "tình trạng sợ sai thì vẫn còn".
Trước thực trạng giá trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao không được quản lý, bị thả nổi để một số doanh nghiệp lợi dụng nâng giá nhiều lần so với giá trị thật, bác sĩ Tri Thức đề nghị Chính phủ nhanh chóng có cơ chế kiểm soát. Chính phủ cũng cần quy định trang thiết bị y tế được mua bán qua bao nhiêu trung gian, khắc phục tình trạng lòng vòng qua công ty mẹ, công ty con, công ty gia đình rồi nâng khống giá như thời gian qua.
"Giá trang thiết bị y tế bị trôi nổi sẽ gây thiệt hại lớn cho bệnh nhân. Bệnh viện đi mua cũng có nguy cơ sai phạm dù chỉ là vô tình. Tôi đề nghị Quốc hội cùng các cơ quan nghiên cứu sửa đổi quy định cho phù hợp thực tiễn, tránh để không ai dám làm gì", Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM. Ảnh: Media Quốc hội
Đầu tháng 3, Chính phủ ban hành nghị quyết 30 về các giải pháp đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế. Ông Thức đánh giá nghị quyết này chưa giải quyết được triệt để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế. Vì vậy, Quốc hội cần có nghị quyết giải quyết dứt điểm dựa trên nền là Luật Đấu thầu đang được xem xét. Nghị quyết sẽ có hiệu lực đến khi Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực thi hành.
Bác sĩ Thức cũng thông tin các gói phục hồi kinh tế cho ngành y tế rất khó giải ngân với cơ chế mua sắm như hiện nay. "Sau đại dịch, ngành y tế đã kiệt sức, nên cần uống thuốc kịp thời", ông ví von.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM) đề nghị sơ kết sau gần ba tháng thực hiện Nghị quyết 30 của Chính phủ "để xem đã thực sự gỡ khó cho các bệnh viện hay chưa". Bà Lan lo ngại đây chỉ là nghị quyết mang tính thời điểm, sau này cơ quan điều tra, kiểm toán vào cuộc lại căn cứ theo luật để xử lý.
Vì vậy, nữ đại biểu đề nghị Quốc hội đúc rút vấn đề vướng mắc trong mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao thời gian qua để bổ sung quy định trong Luật Đấu thầu sửa đổi. "Không chỉ cán bộ y tế sợ không dám mua sắm mà virus này đã lên đến Bộ Y tế", bà Lan nói, minh chứng rằng việc tiêm chủng mở rộng quốc gia rất quan trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em, nhưng nguồn vaccine đang cạn vì chưa được mua sắm kịp thời.
"Chúng ta có con nhỏ mà chậm tiêm chủng, không may bị đau ốm thì ân hận, đau xót đến mức nào. Vấn đề đơn giản như vậy mà các cơ quan còn đùn đẩy nhau để không có vaccine tiêm cho trẻ", bà Lan nêu ý kiến.
https://vnexpress.net/